The Circle of District M – EP01 | S’mores SaiGon Caffè – Thổi Hồn Mới Vào Những Giá Trị Xưa Cũ

S'mores Saigon Caffe

S’mores Saigon Caffè hiện có 3 chi nhánh tại Sài Gòn, với thiết kế khác nhau, nhưng đều có ngôn ngữ thiết kế chung mang nét đặc trưng của Sài Gòn, một Sài Gòn rất khác giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là 1 quán cafe, S’mores còn có rất nhiều câu chuyện thú vị về không gian, café, âm nhạc và lifestyle. Nếu muốn tìm một không gian cafe xanh mát để sáng tạo, một món nước ngon để thưởng thức, hay một mood nhạc chọn lọc tinh tế thì chắc chắn S’mores Sài Gòn sẽ không làm bạn thất vọng.

Trò chuyện cùng với District M hôm nay là Nguyễn Hoàng Trung Hưng – Founder của S’mores Saigon Caffè.

Sáng tạo dựa trên giá trị nguyên bản

Hưng có thể chia sẻ một chút về cảm hứng thiết kế của S’mores Saigon Caffè?

Để nói về cảm hứng khi em làm S’mores Saigon Caffè, thì đó chính là cái định nghĩa riêng về Sài Gòn. Tương ứng với mỗi giai đoạn sống và lớn lên khác nhau, mỗi người sẽ có một góc nhìn, một cái thế giới quan về cái Sài Gòn rất khác nhau.

Đối với em, trong quá trình em lớn lên, tất cả những thứ em quan sát, lắng nghe và cảm nhận đều là Sài Gòn. Khi lồng ghép vào những thiết kế của quán, về mặt kiến trúc hay âm thanh, thì em đều muốn đưa tất cả những gì em ghi nhận được, cảm nhận được, mặc dù nó không phải là những thứ quá đặc biệt, thậm chí rất đời thường, để mọi người có thể trải nghiệm tại từng cửa hàng.

Với chi nhánh đầu tiên ở 1A Phan Tôn, Đa Kao, Quận 1, em đặt tên là Sài Gòn Nguyên Bản. Bởi vì kí ức trong em, Sài Gòn phải là những gì ở nằm ở Đa Kao, ở Tân Định. Chỉ cần nghe Đa Kao, Tân Định thôi là tự nhiên sẽ có cảm giác gì đó rất là Sài Gòn. Mặc dù không phải ai cũng có cảm giác như vậy, nhưng với em, cảm giác đó rất mạnh mẽ. Nó khiến cho em có nguyện vọng phải đặt được chi nhánh đầu tiên ở Đa Kao.

Kiến trúc của chi nhánh đầu tiên này cũng dựa trên những cái gì mà em quan sát được ở lân cận khu vực Đa Kao, ví dụ như gạch kính, rồi đá rửa, đó là những cái vật liệu mà nó rất đời thường trong cuộc sống của nhà người dân “Sài Gòn”.

Tương tự, ở chi nhánh thứ 2 tại 2/12 Cao Thắng, quận 3, cũng xuất phát từ một trong những trải nghiệm khi mình sống ở Sài Gòn, đó là HẺM. Tên gọi cho chi nhánh này là Nhà Trong Hẻm – Hẻm Trong Nhà. Bản chất cái nhà đã nằm trong hẻm rồi, nhưng yếu tố mình lồng ghép vào trong, đó là trong căn nhà đó sẽ còn những con hẻm nhỏ nữa.

Với em cái cảm giác khi chặt hẻm ở Sài Gòn thú vị lắm. Ví dụ đang đi trên một con đường lớn, rất kẹt xe, mình quyết định chui vào một cái hẻm. Khi mình vô cái hẻm đó rồi mình cứ quẹo tới quẹo lui, sau vài lần quẹo thì con hẻm lại mở cho mình một con hẻm mới, và cuối cùng là dẫn ra được con đường lớn mà mình đang muốn tới.

Chi nhánh Chợ Lớn cũng là một trong những điều em mong muốn từ lâu. Vì em được sinh ra ở Sài Gòn và lớn lên trong khu người Hoa, quận 5. Em cho rằng cái nhìn của một người Sài Gòn ở Chợ Lớn sẽ khác với cái nhìn của một người Hoa sống ở Chợ Lớn. Đôi khi mình không nhận ra những gì diễn ra, xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống của mình, lại chính là bản sắc, độc đáo trong mắt người khác.

Ký ức của em ở Chợ Lớn là chiếc lồng đèn kéo quân thường chơi với bạn bè hàng xóm. Cho nên điểm nhấn lớn nhất ở chi nhánh quận 5 là một chiếc đèn kéo quân khổng lồ bao phủ hết quầy bar.  Tưởng chừng như bất khả thi, nhưng may mắn nhờ đội ngũ kiến trúc sư tính toán kỹ lưỡng nên mới thi công được ý tưởng đó.

Anh thấy đối tượng của mình đa phần là các bạn trẻ, nhưng ở 3 quán anh đều thấy xuất hiện rõ nét yếu tố về văn hóa. Vì sao em lại mang những yếu tố văn hóa ấy thả vào trong từng quán và có một sự sắp xếp khác nhau giữa từng quán?

Em không dám nhận là mình truyền đạt một văn hoá nào cả, em chỉ muốn gửi đến các bạn trẻ một vài thông điệp. Trong đó thông điệp lớn nhất, thực sự em muốn gửi tới là: Nếu bạn thật sự yêu Sài Gòn thì hãy yêu theo cái cách mà bạn cảm nhận, bằng chính suy nghĩ và chính kí ức của bạn thì nó sẽ tạo ra một cái Sài Gòn nguyên bản nhất.

Âm nhạc hoà hợp cùng chất liệu kiến trúc

Ngoài đặc điểm về kiến trúc thì còn một điểm mà anh để ý nữa là âm nhạc của quán. Lí do gì để em chọn cho mỗi quán một dòng nhạc khác nhau?

Điều này xuất phát từ 2 điểm, đầu tiên là xuất phát từ cá nhân trước vì cá nhân bản thân em là một người thích nghe nhạc. Thứ 2 là âm nhạc phụ thuộc vào chính cái tổng thể, vật liệu, kiến trúc đang thể hiện nên cho cái cái quán đó.

Ở chi nhánh 1 – Sài Gòn Nguyên Bản thì đa phần vật liệu là xi măng, đá và cây xanh. Những vật liệu đó mang lại cho mình một cái cảm giác, khi mình sờ nó thì rất thô ráp, nhưng về cảm nhận thì nó sẽ rất mát, êm dịu và thoải mái. Khi lồng ghép các yếu tố âm nhạc vào trong quán thì thể loại âm nhạc đó phải mang được cái cảm giác giống như vật liệu mà nó đang thể hiện ra ngoài, kiểu như âm nhạc phát ra từ vật liệu. Em cảm nhận được chất âm ở đây sẽ có hơi hướng lo-fi một chú, nhẹ nhàng một chút, đủ để cho người khách hàng họ có thể thư giãn, và đáp ứng được những nhu cầu như nghe nhạc, đọc sách, làm việc.

Ở chi nhánh 2 thì câu chuyện mà mình mang tới là Hẻm. Hẻm trong em không phải lúc nào cũng náo nhiệt, nhưng phải sôi động hơn bình thường chút xíu. Đa phần vật liệu em sử dụng ở chi nhánh 2 là kim loại. Cho nên em quyết định âm nhạc trong không gian này phải phù hợp với thanh âm như của kim loại. Em chọn một thể loại âm nhạc hơi mạnh mẽ hơn một chút. Em chọn Blues, Classic Blues và một chút Psychedelic Rock nữa. Có nhiều khách hàng họ feedback với em là chưa bao giờ nghe những thể loại nhạc này, và cũng chưa bao giờ thực sự nghĩ là mình sẽ nghe. Nhưng khi ngồi ở trong không gian này, nghe những âm nhạc này lại rất hợp và từ đó họ thích luôn. Có nhiều khách hàng còn hỏi xin playlist của quán.

Với chi nhánh Chợ Lớn, gu âm nhạc ở đây không phụ thuộc vào chất liệu kiến trúc, mà phụ thuộc vào văn hoá địa phương: Tiếng Quảng Đông. Cộng đồng người Hoa mang lại rất nhiều nét văn hoá đặc trưng cho Sài Gòn, nhất là ngôn ngữ. Cái sự thân thuộc khi đi chợ Bình Tây (Chợ Lớn), coi phim TVB, nghe nhạc Cantopop, nhạc Hoa lời Việt,…được đưa vào trong không gian này. Mình vừa ngồi cà phê, nhưng mà đâu đó những cái thanh âm của tiếng nói chuyện hoặc là hát phải có, và vang vọng những cái tiếng của người Hoa, tiếng Quảng Đông ở trong đó. Thì lúc đó mới tạo một cái cảm giác là tôi thực sự đang ở trong khu Chợ Lớn.

Thổi hồn mới cho cà phê vợt Sài Gòn

Ngoài thiết kế và âm nhạc, thì với đồ uống, em lồng ghép yếu tố Sài Gòn như thế nào?

Bản chất S’mores Saigon vẫn là một quán cà phê, nên ngoài những yếu tố về mặt tinh thần, vẫn phải có một cái sản phẩm cốt lõi để khách hàng có thể trải nghiệm, đó chính là Cà Phê. Như mọi người biết, ở Hà Nội thì sẽ rất nổi tiếng về cà phê trứng, ở Huế hay Đà Nẵng là cà phê muối, vậy thì ở Sài Gòn, mọi người đang hình dung cà phê gì là đặc trưng? Làm sao tìm được một cái yếu tố cà phê rất là “Sài Gòn”? Nếu chọn cà phê phin thì không thể, vì rõ ràng mình không có lợi thế cạnh tranh, mình cũng không kể được một câu chuyện đặc trưng nhất của Sài Gòn. Lúc đó em mới nhớ tới cái vợt, thật ra xuất phát điểm của cà phê vợt cũng là từ khu Chợ Lớn. Nếu mọi người đi Chợ Lớn thì có thể ghé vào Cafè Ba Lù để trải nghiệm thử cà phê vợt nguyên bản của Sài Gòn như thế nào. Từ đó em bắt đầu tìm hiểu về cà phê vợt. Thực ra ngày xưa em cũng có uống rồi nhưng không đọng nhiều trong tiềm thức. Chỉ sau khi bắt đầu làm, tìm hiểu nhiều hơn thì mới thấy là cà phê vợt có nhiều cái hay.

Việc pha chế đó cũng sẽ đem lại cho mình nhiều tầng hương vị đặc trưng, một nét đặc trưng riêng, theo một gu khác cà phê phin. Em xác định đây chính là cái yếu tố tinh thần mà mình sẽ phải truyền tải vào trong cái sản phẩm. Nó là tinh thần của một người Sài Gòn trẻ, giống như em, nhìn ngược lại về những cái gì là giá trị cốt lõi. Để từ đó, thổi cho nó sức sống mới, chứ không phải bưng nguyên xi những gì thuộc về xưa cũ và đem vào trong thời điểm hiện tại. Lấy cảm hứng từ đó, em quyết định dùng một cái phương pháp mới là pour-over của người Nhật. Nó cũng đưa ra một kết quả mới với một hương vị mới lạ hơn, dễ chịu hơn và dễ được các bạn trẻ bây giờ chấp nhận hơn.

Cơ duyên của District M & S’mores Saigon Caffè

Kết quả mà em nhận được từ District M đó là các bạn khách hàng của S’mores Saigon Caffè rất thích thú khi đi qua tất cả không gian trong quán đều có được những trải nghiệm âm thanh xuyên suốt, và thỏa mãn về phần nhìn khi thấy những chiếc loa Marshall hay Fender hoài cổ được đặt trong không gian quán. Tới thời điểm hiện tại, em thấy có những bạn khách hàng tới S’mores Saigon Caffè và đeo những chiếc headphones của Marshall, tức là vô hình chung mình đã xây dựng được một cái phong cách sống nhất định cho khách hàng, và các bạn cũng tìm thấy được không gian hợp với mình thông qua những cái sản phẩm đó. Đây là điều khiến em cảm thấy rất là hạnh phúc.

Cũng mới đây, District M và S’mores lại tiếp tục kết hợp trong 1 dự án tháng chín về chủ đề nghệ thuật và âm nhạc “Thả Hổ Về Trời” cùng nghệ sĩ Khim Đặng.

Chân thành cảm ơn S’mores Sài Gòn Caffè đã đồng hành trong chương trình The Circle of District M của tụi mình. Hãy chờ đón sự hợp tác tiếp theo giữa S’mores và District M nhé.

Các bạn có thể xem trọn vẹn hình ảnh của buổi nói chuyện tại đây: The Circle of District M – Smore Saigon Caffe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

District M xin chào, chúc bạn 1 ngày luôn vui!