Đĩa than – Sự Trở Lại Của Một Thời Hoàng Kim

Pro-ject-Turntable

Có thể nói, “thú chơi” đĩa than ở Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm từ những ngày đầu phát triển thịnh vượng; thậm chí “từ chỗ vô giá thành ra… vô giá trị”.

Tuy vậy, dẫu trong thời kì suy thoái khi nhạc số, nhạc digital lên ngôi, thì ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này, vẫn có những người lựa chọn đắm mình trong âm thanh xưa cũ của đĩa than. Họ chưa từng biến mất, mà như những “ẩn sĩ” âm thầm gìn giữ và bảo tồn thú vui từng được cho là “lỗi thời” này, như thể họ biết rằng, “thú chơi” đĩa than, một lần nữa sẽ quay trở lại.

NẶNG LÒNG VỚI CHẤT ÂM

Nhớ lại thời thập niên 70 của thế kỉ trước, khi đĩa than bắt đầu bước vào sự thoái trào với sự ra đời của băng cassette, băng cối, rồi đến thập niên 90 là sự bùng nổ của thời đại “Digital” với đĩa CD, DVD…. thì còn có người vẫn lựa chọn đĩa than làm thú vui tao nhã.

Mọi người chơi đĩa than, phần vì lưu giữ kỉ niệm, phần vì hoài cổ… nhưng phần lớn là do chất âm mà đĩa than mang lại. 

Âm nhạc của đĩa than rất “mộc”, từ tiếng hát của ca sĩ đến âm thanh của nhạc cụ đều có chiều sâu và đầy nhạc tính. Họa sĩ Lê Thiết Cương từng phát biểu rằng “Nghe đĩa than vẫn là hay nhất. Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng khác biệt với kỹ thuật số”.

Thật vậy, tiếng đĩa than rất “mộc”, dễ nghe, dễ nghiện, ai đã mở lòng với đĩa than thì sẽ khó mà bỏ được.

ĐĨA THAN – THÚ VUI “HẾT THỜI” HAY “ĐỂ ĐỜI”?

Chơi đĩa than cũng như là uống một li cà phê phin vậy, cứ phải từ từ, chầm chậm, từng chút từng chút một mới thấy được hết cái tinh hoa của nó.

Việc chuẩn bị, thao tác các bước để có thể nghe một bài nhạc hoàn chỉnh bằng đĩa than biến người nghe trở thành một nghệ nhân với sự chú tâm nhất định. Lấy đĩa ra khỏi bao, vệ sinh đĩa, kiểm tra mâm, cân kim, chỉnh tạ… tất cả những công việc kể trên như một “nghi lễ” vậy, dần dần đưa người nghe nhạc vào một không gian hoài cổ, đến khi bản nhạc cất lên thì họ hoàn toàn đắm chìm vào đó.

Theo thời gian, đam mê đĩa than không chỉ dừng lại ở những bậc cha chú, mà còn lan truyền xuống cả thế hệ trẻ. Họ có thể vấp phải một chút lạ lẫm, nhưng không hề quay lưng lại với đĩa than, mà vẫn đang phát triển một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ

Bên cạnh đó, sưu tập đĩa than cũng là một phần trong thú chơi xưa cũ này. Cái không khí “lùng sục”, truy tìm những chiếc đĩa than cũ, những bản nhạc hoài niệm là một nguồn động lực cho những người chơi đĩa than.

Có những chiếc đĩa than đã không còn sử dụng được, nhưng vỏ đĩa bên ngoài lại là một tác phẩm nghệ thuật đắc giá, có khi cả những vỏ đĩa được vẻ bằng tay một cách chi tiết và tỉ mỉ, tô điểm thêm một chút quyến rũ cho thú vui sưu tập này.

RÀO CẢN “HI-END” LIỆU CÓ CÒN TỒN TẠI?

Chơi đĩa than ngày nay đã không còn là rào cản về kinh tế, mà trở nên dễ dàng hơn nhiều khi các thương hiệu nổi danh về analog như Pro-Ject, Sumiko, Ortofon, hay Brinkmann,…đã dần mang đến các sản phẩm ở nhiều phân khúc khác nhau từ nhập môn đến cao cấp.

Nguồn cung đĩa than cũng đa dạng hơn, và thị trường đĩa than hiện nay đã sôi động hơn rất nhiều so với 5 – 10 năm về trước, Một chiếc đĩa than phổ thông hiện nay có thể có giá dao động từ 30 – 40$, với những bản ghi âm đặc biệt thì giá có thể cao hơn tùy vào chất lượng và độ hiếm.

Ngoài ra, đĩa than của Việt Nam cũng đã có nhiều hơn; đã có khá nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam quan tâm và tham gia vào các dự án sản xuất đĩa than như Lệ Quyên, Quang Dũng, Mỹ Tâm…  Có thể nói thị trường đĩa than trong những năm tới rất đáng hứa hẹn.

Vậy đấy, thú chơi đĩa than không chỉ là việc thưởng thức âm thanh, mà còn chứa đựng cả những giá trị nhân văn sâu sắc; không chỉ là hoài cổ, mà còn là những khoảng lặng giữa nhịp sống sôi động và hối hả; không chỉ là một thú vui, mà còn là niềm đam mê, là tâm tư của những người đã lỡ “yêu” chiếc đĩa than mộc mạc này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

District M xin chào, chúc bạn 1 ngày luôn vui!