Bạn thường hay nghe về reverb/delay/echo khi đi hát karaoke, ca sĩ yêu cầu mic của họ thêm chút reverb cho “mượt”, hay khi tiếng guitar của một nghệ sĩ đang solo vang vọng trên nền nhạc. Vậy reverb, delay và echo là gì? Chúng có khác biệt gì với nhau? Trong bài viết này mình sẽ giải đáp các thắc mắc cơ bản cho anh em nhé!
Định nghĩa của âm thanh
Để hiểu rõ thêm về reverb, delay và echo thì đầu tiên chúng ta cần hiểu sơ qua về định nghĩa của âm thanh đối với chúng ta. Khi một vật thể rung động, nó lan truyền sự rung động đó thông qua các phân tử trong môi trường xung quanh ( trong trường hợp này là không khí); sự rung động được truyền qua môi trường được gọi là sóng âm. Màng nhĩ sẽ tiếp nhận sự rung động của sóng âm và truyền tới não bộ; não bộ chúng ta sẽ phân tích và xử lý thông tin rung động đó và hiểu rằng đó là âm thanh.
Âm thanh là các dao động cơ học của các phân tử, nguyên tử hay các hạt làm nên vật chất và lan truyền trong vật chất như các sóng.
Rồi, vậy Reverb, Delay và Echo là gì?
Định nghĩa của từ “echo” trong từ điển Oxford Languages là: “a sound or series of sounds caused by the reflection of sound waves from a surface back to the listener.”, tạm dịch là: “một tiếng động hoặc một chuỗi tiếng động được tạo ra bởi sự phản xạ của sóng âm từ một bề mặt quay lại tới người nghe”.
Một khi âm thanh được tạo ra, chúng sẽ tồn tại cho đến khi sóng âm truyền qua không khí mất dần năng lượng và cuối cùng sẽ biến mất. Tuy nhiên khi sóng âm chưa kịp biến mất mà lại gặp một bề mặt, chúng sẽ đập vào bề mặt đó, phản xạ lại và tạo ra echo, nôm na tiếng Việt gọi là tiếng dội.
Còn reverb và delay thì sao? Nói ngắn gọn thì Reverb và Delay đều là một dạng của Echo. Echo là tên gọi chung cho các âm thanh phản xạ lại từ nguồn âm chính. Nhưng Reverb và Delay khác biệt như thế nào?
Reverb là một chuỗi tiếng phản xạ lại của âm thanh từ các bề mặt ở khoảng cách đủ gần để bạn không phân biệt được sự tách rời về mặt thời gian giữa nguồn phát âm và tiếng phản xạ, còn Delay thì ngược lại.
Delay là một hoặc một chuỗi những tiếng phản xạ của âm thanh từ các bề mặt ở khoảng cách đủ xa để tiếng dội lại có khoảng trễ đủ lớn để phân biệt so với nguồn phát âm.
Hình minh họa cho sự khác biệt giữa Reverb và Delay
Một vài cách sử dụng của Reverb và Delay
Trong môi trường thực tế, chúng ta luôn luôn nghe thấy reverb, delay ở khắp mọi nơi. Từ ở căn phòng của bạn hay ở giữa một cánh đồng rộng lớn, âm thanh luôn có chỗ phản xạ để tạo thành reverb và delay. Kể cả khi bạn nhắm mặt lại, bạn có thể mường tượng và phần nào đánh giá được độ lớn của không gian xung quanh mình bằng cách vỗ tay và nghe âm thanh của tiếng vỗ tay của mình. Não của bạn sẽ tự động phân tích tiếng reverb và delay trong tiếng vỗ tay và đưa ra đánh giá khá là chính xác về môi trường xung quanh. Chính vì thế mà Reverb và Delay hầu như lúc nào cũng được sử dụng để tạo cảm giác không gian trong việc sản xuất nhạc.
Do chúng ta đã quá quen với việc nghe thấy reverb và delay trong mọi khoảnh khắc, nên một âm thanh mà không có reverb hay delay sẽ khiến chúng ta cảm thấy âm thanh đó khá là “khô khốc” và xa lạ. Đó là lý do tại sao khi hát karaoke, chúng ta thường thích mic của mình có thêm chút reverb hay delay, dân dã hơn thì gọi là echo, vì các hiệu ứng này đem lại sự tự nhiên và mềm mại cho giọng hát. Nhưng mà bạn nên dùng hiệu ứng này một cách vừa đủ, nhiều quá hóa dở đấy!
Tương tự, reverb và delay cũng sẽ tạo ra sự mềm mại, tự nhiên và đưa tiếng nhạc cụ hay giọng hát của bạn trở nên rõ ràng hơn trong bản mix. Một âm thanh đủ độ lớn và vang vọng trong không gian chắc chắn sẽ khiến cho người nghe phải chú ý. Thêm một chút reverb sẽ khiến cho tiếng hát của bạn hay tiếng guitar solo được “sáng” hơn, khiến cho người nghe dễ nhận biết và bị thu hút hơn vào âm thanh của bạn. Chúng ta có thể thêm hiệu ứng Reverb, Delay vào tiếng đàn, tiếng hát của mình thông qua các cục fuzz/pedal. Khá nhiều amply cho đàn/vocal cũng có Reverb và Delay tích hợp sẵn trong phần điều khiển âm thanh. Nếu bạn là một người thích chơi đàn acoustic và hát, thì chiếc amply Fishman Loudbox Mini Bluetooth 60W có tích hợp sẵn Reverb ở cả 2 kênh, giúp đem lại sự tự nhiên và truyền cảm cho tiếng đàn, tiếng hát của bạn.
Vừa rồi là phần giải thích sự khác biệt giữa Reverb, Delay và Echo của District M. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho các bạn phân biệt được các hiệu ứng này và có thể vận dụng nó một cách tốt hơn trong những lần đi hát karaoke hay những dịp chơi đàn cùng với bạn bè nhé! Những anh em nào muốn tìm hiểu thêm về chiếc amply acoustic di động Fishman Loudbox Mini Bluetooth 60W có thể xem ở đây: https://districtm.vn/product/ampli-guitar-acoustic-fishman-loudbox-mini-bluetooth-60w